Báo cáo biện pháp Một số biện pháp giáo dục thói quen hành vi giao tiếp văn minh cho trẻ 3 – 4 tuổi

Giao tiếp văn minh lịch sự là nền tảng đạo đức của mỗi con người. Ngay từ nhỏ, trẻ cần được uốn nắn, giáo dục từ cử chỉ, lời nói, hành động văn minh thì lớn lên trẻ mới trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

 Đối với trẻ mẫu giáo bé đây là lứa tuổi đang khẳng định cái “tôi” cao, cần phải rèn cho trẻ số thói quen hành vi tốt như giao tiếp mạnh dạn, nói đủ câu, biết chào ông bà, bố mẹ, cô giáo và biết điều chỉnh các hành vi văn minh như vứt rác đúng nơi qui định, cất dọn đồ dùng đồ chơi gọn gàng , ngăn nắp.

 Cô giáo luôn là tấm gương sáng mẫu mực, cách ứng xử, lời nói luôn phải chuẩn mực. Phải kiên trì nghiên cứu tìm ra các biện pháp phù hợp nhất để áp dụng với từng trẻ nhằm đạt được hiệu quả cao trong việc giáo dục thói quen hành vi giao tiếp văn minh cho trẻ.

 

doc 10 trang Chí Tường 20/08/2023 7380
Bạn đang xem tài liệu "Báo cáo biện pháp Một số biện pháp giáo dục thói quen hành vi giao tiếp văn minh cho trẻ 3 – 4 tuổi", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Báo cáo biện pháp Một số biện pháp giáo dục thói quen hành vi giao tiếp văn minh cho trẻ 3 – 4 tuổi

Báo cáo biện pháp Một số biện pháp giáo dục thói quen hành vi giao tiếp văn minh cho trẻ 3 – 4 tuổi
I. ĐẶT VẤN ĐỀ: 
Bác Hồ đã nói “Một năm bắt đầu từ mùa xuân, đời người bắt đầu từ tuổi trẻ”. Ở lứa tuổi mầm non tâm hồn trẻ như trang giấy trắng nên chúng ta phải lựa chọn những gì tốt đẹp nhất để in vào tâm hồn trong sáng của trẻ, để trẻ mang theo cho đến suốt cuộc đời.
Đặc biệt cô giáo mầm non là người trực tiếp chăm sóc trẻ giai đoạn ấu thơ. Đây là giai đoạn mở đầu cho quá trình và hình thành tính cách của trẻ, có thể nói rằng cô giáo mầm non là người tạo nền móng vững chắc cho những bước tiếp theo của cuộc đời trẻ.
 Giáo dục thói quen hành vi giao tiếp văn minh cũng chính là một trong những nội dung của các mặt giáo dục. Vì giao tiếp là một đặc thù của xã hội loài người, bất kỳ một đứa trẻ nào khi sinh ra đều có nhu cầu được giao tiếp. Giao tiếp giữ vai trò như một điều kiện, phương tiện để con người thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội, góp phần giúp cho sự tồn tại và phát triển của loài người. 
Xuất phát từ ý nghĩ đó tôi đã chọn đề tài: “Một số biện pháp giáo dục thói quen hành vi giao tiếp văn minh cho trẻ 3 – 4 tuổi” nhằm tìm ra những biện pháp gần gũi, thiết thực, dễ làm nhất để giáo dục thói quen hành vi văn minh cho trẻ.
II . GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. CƠ SỞ LÍ LUẬN: 
	Giao tiếp văn minh lịch sự là nền tảng đạo đức của mỗi con người. Ngay từ nhỏ, trẻ cần được uốn nắn, giáo dục từ cử chỉ, lời nói, hành động văn minh thì lớn lên trẻ mới trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. 
	Đối với trẻ mẫu giáo bé đây là lứa tuổi đang khẳng định cái “tôi” cao, cần phải rèn cho trẻ số thói quen hành vi tốt như giao tiếp mạnh dạn, nói đủ câu, biết chào ông bà, bố mẹ, cô giáo và biết điều chỉnh các hành vi văn minh như vứt rác đúng nơi qui định, cất dọn đồ dùng đồ chơi gọn gàng , ngăn nắp. 
	Cô giáo luôn là tấm gương sáng mẫu mực, cách ứng xử, lời nói luôn phải chuẩn mực. Phải kiên trì nghiên cứu tìm ra các biện pháp phù hợp nhất để áp dụng với từng trẻ nhằm đạt được hiệu quả cao trong việc giáo dục thói quen hành vi giao tiếp văn minh cho trẻ.
 2. THỰC TRẠNG :
 a/ Thuận lợi
- Trường đạt chuẩn mức độ 2 từ năm 2015, các trang thiết bị được đầu tư đồng bộ hiện đại đáp ứng tối ưu việc dạy và học của cô và trò
- Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên chỉ đạo sát sao, tổ chức các buổi chuyên đề tập huấn, sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên
- Giáo viên có trình độ đạt chuẩn, yêu nghề mến trẻ, có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm
- Đa số phụ huynh ủng hộ, quan tâm đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ 
- Trẻ trong lớp có cùng độ tuổi nên khả năng thích nghi và tiếp thu đồng đều 
b/ Khó khăn
 - Các tài liệu chuyên môn về phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục hành vi văn minh cho trẻ còn nằm rải rác ở nhiều nơi, nhiều loại nên việc sưu tầm tìm kiếm gặp khó khăn.
- Có một số học sinh yếu, hay nghỉ học nên gặp khó khăn trong việc cung cấp các kiến thức và rèn luyện cho trẻ.
- Nhiều trẻ được gia đình chiều, được bố mẹ, ông bà ở nhà làm hộ mọi việc nên trẻ ỉ lại.
- Còn một số phụ huynh chưa được tiếp cận nên nhận thức về vai trò của việc giáo dục hành vi văn minh cho trẻ còn hạn chế nên việc phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh còn gặp khó khăn.
 Xuất phát từ tình hình trên của lớp nên tôi đã mạnh dạn đưa 1 số biện pháp như sau: 
3. CÁC BIỆN PHÁP: 
Đầu năm tôi được Ban giám hiệu nhà trường phân công dạy lớp mẫu giáo bé C6, để nắm bắt được tình hình của trẻ, tôi đã bắt đầu làm cuộc khảo sát với từng trẻ để biết được tình hình cụ thể như thế nào? Đây là biện pháp quan trọng đầu tiên tôi áp dụng bởi vì có khảo sát hành vi giao tiếp của trẻ mới biết mức độ của các hành vi, thông qua đó chúng ta mới có các biện pháp hữu ích khác để hoàn thiện kĩ năng giao tiếp văn minh cho trẻ dễ hơn.
 	* Số lượng trẻ khảo sát: gồm 30 cháu 
* Nội dung khảo sát . 
- Trẻ biết chào hỏi mọi người khi gặp gỡ, chia tay.
- Biết thể hiện sự biết lỗi khi có lỗi và cư xử đúng mực khi người khác có lỗi với mình.
- Biết cất dọn đồ dùng đồ chơi đúng nơi qui định, sắp xếp gọn gàng ngăn nắp đồ dùng cá nhân.
 	* Cách tiến hành khảo sát:
- Kiểm tra từng trẻ thông qua các biện pháp như: 
+ Trò chuyện: Cô trao đổi cùng trẻ bằng những lời lẽ quan tâm thân mật để qua câu trả lời của trẻ, trẻ bộc lộ khả năng giao tiếp của bản thân.
+ Điều tra: Cô tiến hành giao tiếp để kiểm tra nhận thức của trẻ 
+ Tạo tình huống: Cô cho trẻ thực hành xử lý tình huống thể hiện khả năng giao tiếp của mình với những người xung quanh.
Dựa vào các tiêu chí trên, kết quả thu được của đợt khảo sát như sau: 
+ Tốt : 0	+ Khá: 4 trẻ chiếm 14,3 %
+ Trung bình: 18 trẻ chiếm 57,1%	+ Yếu: 8 trẻ chiếm 28,6% 
3.1. Biện pháp 1: Lồng ghép các nội dung giáo dục thói quen giao tiếp văn minh trong các hoạt động của trẻ. 
* Giáo dục trẻ trong giờ hoạt động vui chơi:
Đối với lứa tuổi này trẻ học mà chơi, chơi mà học. Trong giờ vui chơi trẻ được thực hành trải nghiệm nhiều vai chơi khác nhau trong cuộc sống như người lớn, tôi tiến hành lồng ghép lễ giáo vào vui chơi, qua đó trẻ được đối thoại những câu chào hỏi lễ phép, câu cảm ơn, xin lỗi, đưa và nhận bằng hai tay, tôi quan sát, lắng nghe để kịp thời uốn nắn trẻ khi có biểu hiện chưa chuẩn mực. Qua đó, giúp trẻ hình thành thói quen hành vi văn minh trong giao tiếp.
 * Ví dụ : Trẻ tham gia trò chơi đóng vai 
Thông qua hoạt động vui chơi, trẻ mạnh dạn dần trong giao tiếp, ứng xử, chào hỏi đối với mọi người quanh mình. Từ đây, trẻ lớp tôi không còn nói câu cụt, trẻ biết nói và trả lời đầy đủ câu, biết xưng hô chuẩn mực 
*Giáo dục trẻ có hành vi văn minh trong giờ ăn :
Ở trường, giáo viên cần dạy trẻ các hành vi văn minh trong ăn uống qua đó dạy trẻ kỹ năng lao động tự phục vụ, rèn tính tự lập cho trẻ như: Biết lau mặt, rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi ăn, biết cách sử dụng những đồ dùng, vật dụng trong ăn uống một cách đúng đắn, ăn uống gọn gàng, không làm rơi vãi cơm, không gây tiếng ồn, ngồi ngay ngắn, ăn hết suất cơm của mình. Trẻ biết được trước khi ăn phải mời người lớn và các bạn, sau khi ăn xong biết để bát, thìa và cất ghế đúng nơi quy định. Cuối cùng trẻ sẽ biết tự đi lau miệng, xúc miệng nước muối  hoặc khi ở nhà, sau khi ăn xong trẻ biết giúp người lớn dọn dẹp Thông qua việc rèn những hành vi vệ sinh, văn minh trong ăn uống, giáo viên cũng có thể cung cấp cho trẻ những kiến thức về giáo dục dinh dưỡng và những kỹ năng tự phục vụ cho trẻ.
Trong gia đình, việc dạy trẻ những hành vi văn minh trong ăn uống rất cần thiết. Để trẻ có được những kỹ năng, thói quen sử dụng đồ dùng một cách chính xác, thuần thục và khéo léo, không chỉ đòi hỏi trẻ phải thường xuyên luyện tập, mà còn phải đáp ứng được những nhu cầu của trẻ, đó là cung cấp cho trẻ những mẫu hành vi văn hóa, những hành vi đúng, đẹp, văn minh của chính cha mẹ và những người xung quanh trẻ. 
Trong giờ ăn tôi dạy trẻ biết mời cô giáo và mời bạn bè trước khi ăn, khi ăn không nói chuyện, không làm vãi rơi cơm, rơi thức ăn ra bàn ghế, ra lớp học, khi thấy có khách đến phải biết mời khách cùng ăn cơm. 
* Thông qua hoạt động chiều.
	+ Hàng ngày, tôi luôn dành một khoảng thời gian hợp lý vào buổi chiều để giúp trẻ trau dồi kiến thức và thực hành ôn luyện kiến thức, kỹ năng về các thói quen giao tiếp văn minh cho trẻ như: 
+ Sau khi ăn quà chiều xong, tôi sẽ ổn định trẻ và trò chuyện về các nội dung “thói quen giao tiếp có văn hoá” cho trẻ thông qua giờ nêu gương - cắm cờ cuối ngày, cuối tuần. Qua đó, giúp trẻ tự nhận xét, đánh giá về hành vi của mình, của bạn trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.
+ Tập cho trẻ xử lý tình huống (ứng xử, trả lời và đánh giá về các hành động đúng, sai của các nhân vật, của bạn bè cùng lớp, khác lớp, nêu ra phương án ứng xử phù hợp với từng hoàn cảnh, từng câu chuyện xảy ra)
+ Động viên, khen ngợi trẻ kịp thời để khuyến khích trẻ phát huy những biểu hiện tích cực trong giao tiếp, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh.
Tôi xây dựng bảng bé ngoan trên lớp, buổi chiều vào cuối giờ tôi cho trẻ nhận xét lẫn nhau: Ngày hôm nay các con thấy bạn nào ngoan nhỉ? Bạn đã biết xin lỗi khi mình làm sai chưa? Ai đã biết rủ bạn chơi cùng?
3.2/ Biện pháp 2: Giáo dục trẻ thông qua các hình ảnh, các nhân vật trong tranh, trong truyện, và những tấm gương trong cuộc sống. 
 Với trẻ mẫu giáo tiếp thu kiến thức, hành vi thông qua trực quan hành động là những điều trẻ nhìn thấy, nghe thấy luôn để lại trong tâm trí trẻ ấn tượng sâu đậm hơn là chỉ dùng lời nói. Chính vì vậy, tôi đã sử dụng những hình ảnh để giáo dục trẻ
	Mỗi câu hỏi cô đặt ra đều phải thể hiện nét văn hoá trong cách đặt câu hỏi và khi khuyến khích trẻ trả lời ví dụ như trong giờ dạy văn học:
	- Bài thơ “hoa kết trái” khi cô muốn hỏi về màu sắc của những bông hoa, cô lên sử dụng cách đặt câu hỏi cho đủ câu đồng thời cho trẻ phát huy tính tích cực: Ai có thể cho cô biết vẻ đẹp về màu sắc của những bông hoa được thể hiện qua những câu thơ nào? Khi trẻ xung phong cô mời trẻ: Cô mời con nói cho cô và cả lớp cùng nghe nào. Khi trẻ trả lời cô nhắc trẻ thưa gửi lễ phép trước khi nói
	- Hay câu chuyện “Cô bé quàng khăn đỏ”, khi có muốn trẻ nhớ lời thoại của cô bé quàng khăn đỏ với chó sói ăn thịt bà đắp chăn giả làm bà ngoại ốm: Khi cô bé đến nhà bà cô nói như thế nào? Con thử bắt chước câu nói của cô bé cho cô và các bạn nghe nào
Qua tình huống câu chuyện, cô giáo dục trẻ khi nói với người lớn tuổi phải thưa gửi và nói đầy đủ câu thì mới ngoan đấy, ngoài ra để thu hút được trẻ, tôi cho trẻ xem đoạn video hai trẻ tranh nhau 1 thứ đồ chơi hoặc 1 trẻ làm ngã bạn. Tôi có thể hỏi trẻ trong đoạn video trên ai là người ngoan hơn và ai là người chưa ngoan, tại sao? Nếu là con, con sẽ làm như thế nào, nếu trẻ chưa trả lời tôi sẽ gợi ý “Làm đau bạn thì phải làm gì nhỉ,à làm đau bạn phải xin lỗi bạn đấy”, “ tôi xin lỗi bạn ạ” hay cô tạo tình huống cho trẻ giúp cô làm 1 việc gì đó và cô nói từ “ cám ơn con”. Tôi thấy từ cảm ơn và xin lỗi, chúng ta những bậc người lớn quá tiết kiệm với con trẻ, để trẻ quá xa vời với từ ngữ trên, người lớn chúng ta hãy tạo nhiều tình huống về cách giao tiếp cho con trẻ được học và được làm ngay từ nhỏ sẽ tốt hơn 
Ví dụ: Trong giờ xem tranh, truyện trẻ hay giành giật của nhau, lúc đó cô lại gần và trò chuyện để phân tích cho trẻ biết những hành vi đúng, sai. Làm như vậy là không ngoan các con nên cho bạn xem cùng nhé!
3.3/ Biện pháp 3: Tạo môi trường, tạo tình huống cho trẻ được thực hành các hành vi giao tiếp ứng xử văn minh
Khi trẻ đến lớp cô tạo môi trường bằng cách trang trí lớp theo các chủ đề sự kiện có nhiều các hình ảnh lễ giáo, các câu thơ, các bài hát mang tính giáo dục giao tiếp có văn hóa. Có cả các hình ảnh chưa đúng để cho trẻ nhận xét các hành vi mà trẻ đã trải nghiệm được. Mỗi tuần tôi cho trẻ tham gia một buổi lao động giúp cô lau dọn đồ dùng đồ chơi ở lớp hoặc cùng cô tham gia nhặt lá ngoài sân trường, hay cho trẻ tham quan vườn hoa của trường và kết hợp trò chuyện với trẻ: Muốn có nhiều hoa đẹp chúng ta phải làm gì? Khi nhìn thấy hoa nở đẹp các con nhớ tới ai? Giáo dục trẻ kính trọng, yêu những người lao động, khi ăn phải từ tốn, chậm rãi, không vứt vỏ và hạt bừa bãi. Giáo dục trẻ giữ gìn VSMT, vệ sinh lớp học.
 Từ đó trẻ biểu hiện các hành vi có văn hóa. Qua các hoạt động như vậy giúp tôi quan sát xem trẻ nào có hành vi đúng và trẻ nào chưa có hành vi đúng để tôi kịp thời sửa sai cho trẻ.
Chúng ta ít dùng lời khen với con trẻ vì nghĩ trẻ chưa cần, nhưng nếu ai có cách nghĩ đó thì quả là một sai lầm. Trong cuộc sống ai cũng cần có lời động viên, khen ngợi. Nếu không có lời động viên, khen ngợi thì cuộc sống không có ý nghĩa. Người lớn đã vậy trẻ con càng phải có, mỗi việc làm tốt của trẻ được khen ngợi giúp trẻ phấn khởi hơn, tự tin hơn và thấy mình cũng quan trọng hơn. Với con trẻ chúng ta không nên chê trẻ dù trẻ có làm sai mà động viên trẻ lần sau làm tốt hơn để mọi người yêu quý con hơn.
* Ví dụ : Khi trẻ chơi với nhau bỗng nhiên trẻ quát to, cô đến bên cạnh nhẹ nhàng nói con không nên nói to như vậy vì nói to làm mình đau họng, làm bạn bên cạnh sợ đấy lần sau con nói nhỏ hơn và không nên quát bạn như vậy nhé.
Cứ như vậy tôi thấy trẻ dần ngoan hơn mạnh dạn giao tiếp cùng cô và các bạn và những lần sau như đi vệ sinh tôi chỉ cần nhắc các con rằng nhường các bạn nhỏ đi chước không tranh nhau, không xô đẩy nhau thì trẻ đã tự giác làm được điều đó
3.4/ Biện pháp 4: Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động sự phối kết hợp của các bậc phụ huynh
Ngay từ đầu năm học, tôi triển khai tới các bậc phụ huynh về mục tiêu, nội dung phấn đấu của lớp, của cô trong năm học. Đồng thời, tôi nhấn mạnh cho các bậc phụ huynh biết về nội dung đề tài mà tôi lựa chọn nghiên cứu và thực nghiệm đối với lớp, lấy ý kiến biểu quyết ủng hộ từ phía các bậc phụ huynh .
Hàng ngày trong các giờ đón - trả trẻ, cô thường xuyên trò chuyện với phụ huynh, trao đổi những thông tin về sự tiến bộ hay chậm chạp của trẻ, thu nhận thêm các thông tin về trẻ khi ở nhà (về sở thích, cá tính) để có biện pháp phối hợp giáo dục phù hợp. Đồng thời khéo léo giới thiệu với các bậc phụ huynh về những hình ảnh tư liệu mới ở góc tuyên truyền 
4. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC: 
Với những biện pháp như vậy cuối năm lớp tôi đã đặt được những tiến bộ rõ rệt như sau:
- Trẻ đã có thói quen giao tiếp văn minh: Biết chào hỏi mọi người khi gặp gỡ hoặc chia tay như ; Chào cô giáo khi đến lớp, chào ông bà, bố mẹ khi chia tay, chào các cô, các bác người quen khi đi đường, khi có người lạ xuất hiện ở lớp học, biết mời khi ăn cơm.
- Biết nhận ra hành động đúng sai trong giao tiếp.
- Có ý thức tuân theo các quy định chung của trường, lớp như: Quy định ( ăn, ngủ, học, chơi, vệ sinh, lao động ).
- Trong quá trình áp dụng đề tài đã đạt được kết quả như sau: 
Tổng số gồm 30 cháu: + Giỏi: 9 chiếm 35,7%	+Khá: 17 chiếm 50,0 %
 + Trung bình: 4 chiếm 14,3%	+ Yếu: 0
III. KẾT LUẬN 
“ Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”	
Trẻ em như một cây non , nếu được chăm sóc rèn luyện các kĩ năng giao tiếp có hành vi văn minh ngay từ khi còn nhỏ thì sau này lớn lên sẽ rất có ích cho gia đình và xã hội. Qua quá trình áp dụng các biện pháp trên lớp tôi đã đạt được kết quả rất tốt. Để đạt được kết quả đó là nhờ rất nhiều vào công sức của cả cô và cháu, cùng sự giúp đỡ của phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường. 
Qua thời gian nghiên cứu và thực hiện đề tài tôi đã rút ra được 1 số kinh nghiệm như sau:
- Luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các hoạt động trong ngày, các nội dung chăm sóc giáo dục trẻ luôn thể hiện rõ nội dung lồng ghép giáo dục thói quen giao tiếp hành vi văn minh cho trẻ.
- Cô cần quan tâm, tìm hiểu đặc điểm tâm lý, cá tính, sở thích, nhận thức của từng trẻ để áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực, phù hợp với từng nhóm trẻ.
- Thường xuyên trò chuyện với phụ huynh để tranh thủ sự ủng hộ của gia đình và thống nhất phương pháp giáo dục giữa gia đình và nhà trường.
- Giáo viên luôn học hỏi trau dồi kinh nghiệm để phấn đấu ngày một vững vàng hơn trong nghề của mình.
Trên đây là những kinh nghiệm của tôi trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, không tránh khỏi những thiếu xót nên rất mong nhận được sự góp ý đóng góp của bạn bè đồng nghiệp để sáng kiến này được hoàn chỉnh hơn trong công tác giảng dạy. 
 Tôi xin chân thành cảm ơn!
 Người viết
Lương Thu Hà

File đính kèm:

  • docbao_cao_bien_phap_mot_so_bien_phap_giao_duc_thoi_quen_hanh_v.doc